Sunday, December 9, 2012

Sumeba Miyako


Sumeba Miyako


Câu người Nhựt thường nói : "Sumeba miyako" có nghĩa là nếu bạn sống ở một nơi nào đó  dù rằng lúc ban đầu bạn cảm thấy không thích hợp với cá tính của bạn, nhưng nếu bạn vì lý do gì đó vẫn phải cứ tiếp tục sống và trong lúc sống ở chỗ đó bạn cố gắng tìm những điều mà bạn thích, từ từ quen biết những người và môi trường xung quanh, thì dần dần bạn sẽ cảm thấy nơi đó là "kinh đô" của bạn.



"Kinh đô" của bạn chớ không phải là quê hương của bạn bởi vì chữ “quê hương”  có nhiều ý nghĩa sâu đậm hơn,  xin miễn bàn ở đây.





Ngày xưa  lúc vào tuổi đôi mươi tôi đi dạy ở Thường Tân, một xã hẻo lánh ở gần Tân Uyên, cách Biên Hòa hơn 25 cây số. Xách  hành trang lên đường đi nhận nhiệm sở với  Hà, em của Vân là vợ anh Danh, con trai chú Ba chủ tiệm chụp hình Phạm Lung, 2 đứa tôi nói với nhau : " Mình như hoa anh đào Đà Lạt đem về trồng ở đất bưng biền. Chắc mình không thọ ở đây lâu đâu.”



Lúc đầu cái yên tịnh “khỉ ho cò gáy ” của Thường Tân cộng thêm với sự xa lạ chưa quen biết với những người sống ở đây làm cho chúng tôi bỡ ngỡ, chán nản, não nùng.

Một tháng, hai tháng, sáu tháng rồi một năm trôi qua, chúng tôi bắt đầu yêu học trò, yêu những con đường dẫn đến trường. Cha mẹ học trò biết chúng tôi nhà ở xa nên thường mời tới nhà chơi. Tôi còn nhớ lúc đó, thời bao cấp mà ba má của những em học sinh mời chúng tôi tới nhà dùng cơm, mời ăn cơm với thịt gà xào xả ớt. Chao ôi, hương thơm của gạo trắng từ lúa mới gặt ăn với gà đi bộ xào xả ớt  ngon làm sao !

Chúng tôi ăn cơm với gia đình học sinh dưới ánh trăng sáng vằng vặc ngoài hè  cùng với những cơn gió nhè nhẹ thổi qua, cảm giác sung sướng đó bây giờ vẫn còn đọng trong tôi.

Sau bữa ăn, chúng tôi, những cô giáo trẻ  xa nhà, ngồi lại ăn chè, nói chuyện, ca hát với nhau mãi tới gần nửa đêm mới về nhà trọ.


Tôi dần dần tiếp xúc với dân chúng ở đây, chỉ cho họ những điều mình biết và học ở họ những điều mình chưa biết. 

Học trò khi có trái cây ngon thì dù nhà ở xa chỗ cô ở trọ cũng lặn lội đem đến cho cô. Bài vở ở trường chỗ nào không hiểu thì lại nhà trọ của cô xin cô chỉ lại. Ở đây, tình quê, tình sông nước, tình người làm cho tôi ngây ngất đến ngất ngây, đến nỗi khi có sự vụ lệnh đổi về Biên Hòa, tôi tình nguyện xin ở lại dạy tiếp làm mọi người ngạc nhiên nói : "Sao lúc mới đến cô  có vẻ không thích Thường Tân lắm mà bây giờ tại sao cô không muốn về lại Biên Hòa?".  Câu hỏi đơn giản nhưng khó trả lời vì Thường Tân đã trở thành "kinh đô" của tôi mất rồi. Quê tôi ở Tân Ba, tôi đi học ở Ngô Quyền, không dính dáng xơ múi gì tới cái xã đèo heo hút gió nầy cả mà bây giờ thấy yêu nó thậm tệ. Mỗi lần về thăm nhà thì tôi lại muốn trở lại Thường Tân ngay. Má tôi thường nói : "cái con nhỏ nầy chắc có ai ở trển sao mà?! Mỗi lần về nhà, mới quay qua quay lại là lo trở về trển, tao nghi quá." 

Làm gì có ai ở trển chớ. Người yêu của tôi, người tình đầu đời thưở còn đi học ở xa lắm, đi xe đạp, xe honda, xe gì cũng không tới mà phải đi bằng máy bay.

Mỗi lần xa Thường Tân tôi thấy nhớ. Thấy nhớ tới những em học sinh, ba má của tụi nó, những người dân quê hiền lành sống chung quanh. Họ thấy cô giáo độc thân, xa nhà nên lúc nào cũng ưu ái, niềm nở.  

Dĩ nhiên ở chỗ nào cũng có những cái phiền toái của nó nhưng cái tình Thường Tân đã ghi trong tim tôi hồi nào không biết. Tôi xin ở lại Thường Tân 1 năm nữa rồi phải rời trường vì phải nhường chỗ cho các thầy cô giáo mới ra trường.  Tôi nghĩ chắc Hà cũng cùng cảm giác như tôi vì sau khi tôi rời trường Thường Tân thì Hà xin ở lại dạy tiếp.


Về dạy trường trung học Thái Hòa ở Tân Ba, quê nhà mà tôi thấy day dứt muốn trở lại Thường Tản, nhưng không được. Mình đã ra đi.  

Năm 2010 ông xã của tôi và bạn học chúng tôi Nguyễn Phùng Phước đèo nhau trên chiếc Honda đi thăm rẩy của Phước, có đi ngang qua Thường Tân. Ông xã của tôi cho biết trường trung học Thường Tân bây giờ khang trang lắm vì có sự viện trợ của UNICEF.

Học trò năm xưa của tôi, người quen của tôi bây giờ ở nơi mô?

Thường Tân, xin thân ái nhắc lại một lần nữa, Thường Tân, một thời đã là "kinh đô" của tôi.

"Sumeba miyako"  nếu tạm dịch sang tiếng Việt là “Sống đâu quen đó” . 
“Sumeba miyako” là  như vậy đó.

Để đáp lại ý kiến của bạn Phạm đình Trọng.

Sương A
Mùa Giáng Sinh 2012

No comments:

Post a Comment