Sunday, December 9, 2012


Bằng Cấp Ơi là Bằng Cấp


Việt Nam ta ai cũng khoái bằng cấp. Nghe tới đây bạn đừng có bực bội hay khó chịu nha. Đừng có vội la ỏm tỏi lên mà phát biểu rằng tui chẳng màng cái bằng cấp mà chỉ muốn có thực lực để ra đời làm việc. Hiểu rồi nói mãi. Nhưng phải có cái gì chứng minh cho cái thực lực của bạn chớ. Hè hè, cái bằng cấp. Chịu chưa.


Về VN thăm mấy thằng bạn cũ thời còn đi học thì thấy thằng nào trong danh thiếp, lúc này phải có business card bỏ trong túi ai hỏi thì đưa ra mới oai, cũng để những học vị nghe qua thấy phát khiếp. Có thằng cả đời đi chạy áp phe cũng để Thạc Sĩ Kinh Doanh, có thằng hồi đi học chuyên môn nhảy cửa sổ, phá phách thầy cô, một năm 12 tháng lúc nào cũng đội sổ mà bây giờ nó dám mướn nhà in, in cái danh thiếp của nó để là Thạc Sĩ Giáo Dục. Đứa thì đi bán gạch ngói để thiên hạ xây nhà của thì đề Kiến Trúc Sư.

Lộc, Phước, Long, thầy Ân, Đức

Có đứa còn chơi trội hơn bạn bè, in tổ chảng cái học vị của mình là Tiến Sĩ Văn Chương, chưa hết ngoài sau Tiến sĩ văn chương nó còn thêm vô tiếng Mỹ “Ph.D” nữa chớ.    

Hỏi ra mới biết cái thằng Thạc Sỉ Kinh Doanh chạy áp phe, tên Thạc Sỉ Giáo Dục đi dạy kèm Anh Văn cho những người sắp qua Mỹ theo diện đoàn tụ, thằng Kiến Trúc Sư đi bán gạch ngói , vật liệu xây dựng, ông Tiến Sĩ Văn Chương thì lâu lâu gởi mấy bài thơ thẩn của mình lên mấy tờ báo lá cải cũng tự xưng mình là Tiến Sĩ Văn Chương.

Phước, Cang, Lập, Ẩn-G

Hết chỗ nói.

Nhưng nghe qua cũng có lý của tụi nó. Tao chạy áp phe quanh năm suốt tháng thì tao hiểu biết cách kiếm tiền nhiều hơn những đứa khác chớ. Cái kinh nghiệm kinh doanh của tao cũng đáng được cấp bằng ngang ngửa với Thạc Sĩ Kinh Doanh chớ. Cái thằng Thạc Sĩ Giáo Dục thì nói là tao dạy kèm Anh Văn thì tao cũng phải hiểu qua cái gọi là phương pháp giáo dục chớ, vậy thì cái kiến thức chuyên môn của tao cũng đáng gọi là Thạc Sĩ chớ.

Tên Kiến Trúc Sư thì cứ nằng nặc cho là mình đi bán vật liệu kiến trúc thì cũng phải tiếp xúc với khách hàng, thông hiểu các vật liệu, và cố vấn cho khách hàng về trang trí nội thất vân vân và vân vân thì như vậy tao đề  Kiến Trúc Sư thì cũng được chớ sao không được.
Bùi quang Việt

Ông nội Tiến Sĩ Văn Chương thì cứ cho mình là thiên tài thi văn, viết bài gởi lên cho mấy tờ báo, nó thấy hay nó mới đăng lên, vậy thì cái tài văn chương của ngộ cũng đáng được phong là Tiến Sỉ Văn Chương chớ, nị biết cái gì mà nói, nó xì nẹt tui khi tui mạo muội hỏi nó mầy lấy cái bằng Tiến Sĩ ở đâu ra vậy. Còn cái Ph.D. thì nó nói phải để như vậy để rủi mình tiếp xúc với người nước ngoài thì phải cho tụi nó biết là Việt Nam mình cũng có Tiến Sỉ Văn Chương chớ bộ.

Ẩn-G, Hải, thầy Ân, Long

Xong cử cà phê, cả đám kéo nhau đi nhậu. Tới cử nhậu tụi nó mới phun ra hết.

  • Mình phải đề như vậy mấy em mới phục. Mấy em có phục thì mình mới thừa thắng xông lên được.
  • Chuyện làm ăn mình phải để như vậy khách hàng mới tin tưởng.
  • Mình để như vậy cho mình cảm thấy tự tin khi tiếp xúc với khách hàng. Mình đâu có phạm luật lệ gì đâu. Mà có chết con ma nào đâu.
  • Thấy mấy đứa khác nó khoe khoang bằng cấp, thấy ứa gan nên tao phải để Ph.D. cho nó sợ.
  • Thời bây giờ phải để như vậy mới làm ăn được.
  • Bằng cấp bây giờ lạm phát quá nên tao định để là Pháp Sư thay vì Tiến Sỉ mới chơi lại với tụi nó.
Ẩn-G, Thu

Đúng là “Nghe qua ngậm đắng nuốt cay thế nào.”

Thôi thì chiều bạn bè. Xây dựng một cái trường Kinh Doanh trên Internet cho anh em nhờ. Theo gót anh em, không ai làm khoa trưởng thì mình tự phong mình làm khoa trưởng. Có chết thằng Tây nào đâu.

Mà đâu phải ỷ lại bạn bè mà muốn có bằng cấp lúc nào cũng được. Phải ra sức học hành, phải đổ mồ hôi, sôi con mắt thì mới được cấp bằng chớ bộ. Bằng cấp được thế giới công nhận mới hách chớ.

Phải gởi bài cho giáo sư chấm. Một bài được một tín chỉ (credit). Đạt được 5 tín chỉ sẽ được cấp bằng Cử Nhân (Bachelor); 10 tín chỉ thì có bằng Thạc Sỉ (Master); còn muốn lấy oai với mấy em thì ráng lên một chút nữa là phải có 20 tín chỉ mới được để Ph.D. sau tên cúng cơm của mình.

Thí dụ: Nguyễn phùng Phước, Ph.D (SSIBS)Nghe qua cũng hách xì xằng lắm chớ!
Thanh, Ẩn-G, Phước

Muốn được ban giảng huấn chấm đậu thì sinh viên phải cố gắng quan sát, phỏng vấn, tim tòi những mẫu kinh doanh thực tế trong cuộc sống hàng ngày rồi ghi lại kinh nghiệm đó.

Tên của trường cũng oai ra phết: Street Smart International Business School. Tên tắt là SSIBS nghe cũng oai phong lẫm liệt lắm chớ.

Website của trường là streetsmartibs.blogspot.com

Xuyên qua những kinh nghiệm sống của anh em thì mọi người trên thế giới ai cũng thu thập được kiến thức hết. Mà kiến thức nầy không thấy trường kinh doanh nào dạy hết. Harvard Business School, Stanford Business School, Wharton School chạy dài mút mùa lệ thủy hết, vì những trường trường này chỉ dạy sinh viên bằng sách vở từ chương từ đời ông cố nội nào. Trường Harvard thì cứ lải nhải đem mấy cái case study cũ rích từ thời Bảo Đại mới về nước dạy cho học trò. Học trò nhai đi nhai lại mấy cái case study cũ mèm như bò nhai cỏ. Whaton thì cứ đem ra mấy cái cách quản trị tài chánh lỗi thời, nào là IPO, nào là fund management để lòe đám học trò con nít. Kinh nghiệm trên mấy tờ giấy. 

Còn SSIBS là kinh nghiệm bằng nước mắt của sinh viên. :-) Thông Đạt (Communication) không có mấy tờ giấy kèm theo, để ở dưới bàn thì có thông đạt cách mấy cũng không làm sao cho người nghe thông cảm hết. Không cần IPO hay Corporate Finance (Tài chánh xí nghiệp) gì hết, ai cho mà mượn, họp anh em, người quen lại, chơi hụi một cái là xong. 

Trường chẳng những được anh em bên nhà chiếu cố tận tình mà những người từ những xứ khác cũng tham dự (di nhiên là họ chẳng cần bằng cấp gì ráo trọi). Làm được một việc cho anh em, bạn bè vui là mình cũng cảm thấy vui. Mô phật.

Ẩn-G
Minnesota, Cuối năm 2012

Viết thêm:  Sau khi bài nầy dược đăng lên thì tác giả nhận được nhiều email của những độc giả không phải là cựu học sinh Ngô Quyền đề nghị xin được trình bài vở bằng tiếng Việt thay vì tiếng Anh. Hiện tại trường kinh doanh thứ thiệt SSIBS chỉ nhận bài vớ viết bằng tiếng Anh để ban giảng huấn chấm. Xin các cử nhân, thạc sỉ, tiến sỉ tương lai chiu phiền lên Google Translator để nó dịch ra tiếng Anh rồi gởi cho bổn trường. Xin cám ơn.



No comments:

Post a Comment