Saturday, December 24, 2016

Chúc các bạn Tứ 1 Tứ 4 một Giáng Sinh vui vẻ và chúc mừng năm mới 2017 khỏe mạnh, hạnh phúc.

Sunday, March 27, 2016

TÂN BA, LÀNG TÔI

1956


2016
Tân Ba nằm giữa trục lộ của đường liên tỉnh 16 gồm tỉnh Biên Hoà, Bình Dương, và Phứoc Thành. Nhưng TB gần với Biên Hoà nhiều hơn vì TB nằm  dọc theo sông Đồng Nai , TB xuống BH khoảng 10 cây số trong khi TB lên BD hay Tân Uyên ( quận lỵ trên đường tới tỉnh PT )phải đi khoảng 15 km.Hơn nữa từ TB đi về hướng BH để về Saigon thì dễ dàng hơn sầm uất hơn lên BD hoặc PT nơi có nhiều sông sâu rừng rậm.

Tân Ba làng tôi không “ có mái tranh san sát kề nhau”. Thuở tôi còn ấu thơ và rất nhiều năm trước đó, từ BH lên TB nếu đi đường bộ phải qua 2 cầu nhỏ có từ thời Pháp thuộc, gồm Cầu Gành và cầu Rạch Cát bắt ngang sông Đồng Nai,ngang Cù Lao Phố Hiệp Hoà,đến Chợ  Đồn, lên lò lu Hoá An, cầu Lái Bông , ngã 3 Cây Keo Tân Hạnh, rồi đến Cầu Ông Tiếp.Qua khỏi cầu nầy là bắt đầu vào Tân Ba, nhìn về phía trái là ruộng đồng bát ngát có tên là Đồng Bà Nghè,phía tay phải đi khoảng hơn 500m có 1 cua quẹo có đường đá nhỏ dẫn xuống Bến Đò Trạm đi qua bên kia sông là xã Bửu LOng có ngả ba rẽ để xuống BH hay đi lên Bình Long hay lên Công Thanh (Vĩnh Cữu).Không rẽ vào mà đi thẳng theo đường nhựa từ Cầu Ông Tiếp lên, nhà cửa thưa thớt cất lên giữa ruộng vườn, qua Bụi Tre rồi mới tới  ngã  ba Chợ Tân Ba.Tôi đi TB-BH mỗi ngaỳ bằng xe lam kể từ khi tôi vô học lớp đệ thất trường trung học Ngô Quyền ở BH năm 1965, cho đến những năm đầu sau khi chiến tranh  Nam Bắc  chấm dứt năm 1975, Tân Ba vẫn còn vắng vẻ lắm.Khác hẳn với bây giờ, những mái nhà cất kiểu biệt thự mọc lên giữa cánh đồng xanh nơi mà một thời mang lại nhựa sống cho đa số cư dân ở đây.Nếu ai ở đâu xa lâu về sẽ ngạc nhiên không ít về vật đổi sao dời của làng quê nhỏ bé nầy.


Bến Đò Trạm

Quê nội tôi ở Tân Ba.Thưở thiếu thời Ba tôi sống với ông bà tôi ở xóm gần cầu Ông Tiếp.Ngay gần cầu Ông Tiếp, cầu ranh giới giữa Tân Ba - Tân Hạnh (TB -TH )có lò gạch rộng lớn ôm theo bờ sông. Tên lò gạch là Lò Gạch Ông Tiếp nhưng hầu hết người TB hay TH thường kêu là Lò Gạch Ông Bảy Ẩn, có lẽ vì TB có lò gạch nầy đầu tiên , và ông  chủ đã đem lại công ăn việc làm cho nhiều người dân nghèo trong vùng mà đa số sống bằng nghề nông.Từ xóm cầu Ông Tiếp, qua khỏi Xóm Bến Đò Trạm đi thẳng lên khoảng 1 cây số cũng có lò gạch của ông 3 dựng lên sau nầy khoảng đầu năm 70 trên đất ruộng đối diện xóm Bụi Tre, nhỏ hơn lò gạch Ông Tiếp nhưng cũng góp phần vào kinh tế của xã nhà.Ngay xóm Bụi Tre có cái Miếu gọi là Miếu Cây Cầy, và ai cũng biết vợ chồng Bác Ba Lô, chuyên nghề lái trâu bò, bác trung người vui tính thường mặc áo bà ba trắng với quần đen ,bác gái tướng với tiếng nói như trượng phu có võ Tân Khánh, thường đi xe gắn máy tay Cầm điếu thuốc hút.Ngoài đầu đường đi vô Con đương đất đỏ của xóm Bụi Tre có nhà chú 6 Thanh làm công chức Ty Công Chánh BH.Từ nhà chú 6 đi lên qua khỏi Bụi Tre 1 chút xưa là đất nhà Bác Tư Giao,một nhà quán quân quần vợt cũng là một mạnh thường quân có tiếng tăm trong làng. Tôi nhớ lúc tôi còn học tiểu học, thỉnh thoảng bác từ Saigon về thăm quê, tôi thấy bác đi xe đạp cuộc, mặc đồ thể thao quần short và áo thun trắng chạy lên chợ TB, có lúc bác ghé nhà chuyện trò với ba tôi, bác nói chuyện bác thường xen một ít tiếng Pháp, bác gọi ba tôi là " Xừ Năm " ( xừ = Monsieur ).ôi " những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ ? 


"...Đi lên nữa cùng 1 phía, bên kia đường nhựa xe chạylà cánh đồng Bà Nghè, thì bên đây qua khoảng ruộng 1 chút là khu vườn bác sĩ Tín, nơi đây trồng nhiều cây khuynh diệp để làm dầu khuynh diệp, một loại dầu gió  không người VN nào mà không biết. Rồi đến lò làm đậu hủ của cậu mợ tư Du, nhà gần sông.Giờ đây cậu mợ đã qua đời hết rồi, nhưng tôi vẫn nhớ mỗi lần chạy xe đạp xuống lò để mua đậu hủ mới ra lò vào khoảng 3-4 giờ chiều, lúc nào cậu cũng cười vui hỏi tôi " nay ăn tương hả con gái ?"không quên gói cho tôi 1 gói xác đậu.Xác đậu xào với giá cuốn bánh tráng ăn ngon bổ khoẻ nhưng ăn riết cũng ngán, nhưng cậu cho mà không nhận thì sợ cậu ... mất hứng đang hăng hái quảng cáo món xác đậu mà cậu nói không phải đồ bỏ sau khi ép đậu nành để lấy sữa và làm đậu hủ.Đậu hủ cúa cậu mợ rất " organic", không bỏ thạch cao, làm ngày nào phải bán hết ngày đó, mỗi ngày đều có đậu hủ mới.Cậu và con trai cậu làm, mỗi sáng mợ đem lên chợ TB bán. Không biết nghề nghiệp có ảnh hưởng con người hay không,dáng cậu và nét mặt cậu như ông Phật Di lạc, còn mợ hiền ít nói như sư cô trong chùa.Về sau lúc nào và ở đâu khi ăn gì có đậu hủ là tôi nhớ đậu hủ của cậu mợ ,ngon nhứt là khi đậu hủ còn nóng hổi chấm nước tương hoặc chiên ăn với bún tươi cũng mới ra lò cũng vào khoảng chiều.Thời đó TB có lò bún nổi tiếng của bác Ba Giả, lò gần bờ sông mà phía bên kia sông là Cù Lao Thạnh Hội, từ ngoài đường nhựa đi tới lò bún cũng khoảng 1  cây số và chạy ngang Đinh Làng TB.Trước cổng vô lò bún phía tay trái là nhà máy xay lúa của bác 6 đã giúp đỡ rất nhiều cho dân chúng trong làng quê nhứt là nhà nông.Ở thôn quê lúc đó hầu hết ai cũng thích ăn gạo từ lúa đi xay hơn là ăn gạo đã xay sẵn vì xay lúa ra gạo cội để nấu cơm có chất bổ dưỡng nhiều, còn có gạo tấm để nấu cơm tấm , có cám để chăn nuôi gia súc.




Cơm nấu từ gạo mới xay qua lúa thì ngọt cơm, hương thơm nhiều hơn gạo đã vô bao sẵn để bán, như gạo nàng hương, gạo nàng tây, gạo ba thắc...Vì vậy nhà máy xay lúa hoạt động tấp nập mỗi ngày từ sáng sớm cho tới chiều tối, nhứt là vào dịp ngày rằm hoặc những ngày cận tết. Cũng như lò bún , nhà máy xay lúa nằm ven sông, dù không có bến đò đưa khách qua sông như Bến Đò Trạm, nhưng chỗ nầy khách qua lại thường xuyên từ bên kia bờ sông của cù lao Thạnh Hội qua TB bằng đò nhà  để đi làm , đi học , xay lúa hoặc buôn bán ở chợ TB.Tôi biết bác 6 gái chủ nhà máy xay lúa nầy vì hồi nhỏ tôi hay theo Má tôi gánh lúa vô xay. 
Người TB thường gọi bác là " bà 6 nhà máy ", bác gốc người TH , bác có nhiều người con trai trong đó có người là phu quân của ca sĩ Thanh Tuyền.Nhớ xưa mỗi lần gặp Má tôi vô xay lúa, nói gì rồi bác cũng vui cười rủ Má tôi làm xui gia vì bác để ý thích chị hai Cúc của tôi, lúc chị mới từ Sàigòn về làm ở Ngân hàng Nam Đô ở BH (ngân hàng tư có đầu tiên ở BH ). Tiếc thay, người lớn thích nhau nhưng chuyện duyên nợ của trẻ là chuyện khác ! ...
Từ "xóm nhà máy" (nhà máy xay lúa) đi bộ lên chợ TB cũng mất khoảng 15-20 phút, chợ năm giữa " ngã 3 quốc tế " , bên trái là đường  lên BD,bên phải là đường lên Tân Uyên. Ngày xửa ngày xưa thờituổi nhỏ của Ba tôi, chợ TB có tên là chợ Đồng Ván, nằm trên đồi cao, chỗ nầy vắng không gần đường lộ, đi bộ 1 chút khoảng 5 phút là tới bờ sông , sâu hơn bờ sông xóm nhà máy, bên kia cũng là cù lao Thạnh Hội, ngừoi ta gọi bến sông nầy là bến Lò Vôi.Có lẽ vì thấy sự bất tiện đi lại mua bán nên dân chúng và hương chức trong làng dời chợ Đồng Ván xuống  ngã 3 gần đường lộ. Từ đó xóm nhà gần chợ ĐV cũ có tên là xóm Chợ Cũ cho tới bây giờ. 


Chợ TB thay đổi nhiều theo thời gian .Nhớ lúc tôi đã học trung học rồi mà chợ vẫn còn sinh hoạt họp bán từ 5-6 giờ tới 8-9 giờ sáng là tan rồi.Chợ được cất trên nền cao có bậc tam cấp đi vô, không vách, lợp tôn, nền tráng xi măng dành cho người bán đồ khô như đồ ăn uống ,hoặc sạp vải, kim chỉ.Có hàng bánh thửng và bánh bèo của cô 2 Dưỡng nhà bên cù lao Thạnh Hội, ai cần mua bánh thửng đi đám giỗ thì ra hàng của cô. Cô có nụ cười hiền lành, là Má của Kim Anh ,bạn học tiểu học của tôi . Kim Anh trắng trẻo đẹp gái hiền lành như Má nó.Mỗi lần tan học về,  Kim Anh đi từ trường tiểu học nằm trên Chợ Cũ, ra chợ phụ Má nó gánh hàng về nhà ở tận bên kia sông.
Sáng nào trong chợ cũng có gánh xôi nóng hổi , bánh ít trần nhỏ, bắp giả của dì 5 trên Chợ Cũ, hương thơm của nếp  thành xôi mà dì 5  nấu có lá dứa lá Cẩm hay nước dừa tới giờ tôi vẫn còn nhớ. Ngoài cái nhớ là cứ mỗi lần dì lấy lá chuối đã lau sạch gói xôi bán cho tôi giá chỉ 5 cắc , dì thường trét thêm 1 lớp nhưn đậu xanh nhiều hơn binh thường trước  khi bỏ thêm dừa nạo và muối đậu lên vì dì biết tôi thích ăn loại xôi nào cũng có nhưn, tôi khó quên được dáng vẻ chất phác phúc hậu của bà mẹ quê VN như dì.

Trong lòng chợ lúc đó cũng có sạp vải nhỏ đầu tiên của dì 6 Điền, sạp kim chỉ của cô Út , sạp tạp hoá của cô 6Vững (Má anh Diệp Cẩm Thu, sau nầy anh dạy học ở trường Ngô Quyền, BH ).Gần đó là mấy thúng đậu hủ của mợ tư Du, bún của bác 3 Giả, hàng bánh tráng nướng của  dì 2 nhà trên chợ Cũ. Cuối lòng chợ hưong chức trong làng có xây  một bàn thờ nhỏ, có lẽ để thờ thần.Kế bên đó là hàng thịt  duy nhứt của Dượng 6 Tiều ( ba anh DCT )...Dạo nầy sạp hàng người bán còn ít , chợ lại nhóm  1 chút rồi tan, nên trong lòng chợ còn sạch sẽ sáng sủa, là nơi tụ tập vui chơi đánh đáo, chơi 5-10, nhảy dây...của trẻ con xóm gần chợ buổi trưa chiều, hoặc lâu lâu là rạp hát của mấy gánh hát cải lương bồ tèo  từ miệt xa đâu về( gánh hát "Sống Vang"/ Sáng Dông ! ).Ngoài lòng chợ phía tay trái có 2 hàng cá đầu tiên của  2 chị em cô tư Phúng và cô 8 Sến, nhà trong Chợ Cũ, 2 cô lấy cá từ khuya sớm ở chợ BH về bán, 2 cô là em của chú 3 Phạm Lung tiệm chụp hình ở BH. Phía tay phải ngoài lòng chợ người ta bán rau cải, khoai củ, người TB hay gọi là " bán hàng bông".Lúc đó có hàng lê ghim ( legume ) của cô Tư Biểu nhà ở xóm bến đò Trạm, cô lấy rau cải Đà Lạt ở các vựa rau ở chợ BH đem về chợ TB bán như su hào , khoai tây, cà rốt, bắp cải....Ngoài cô Tư bán rau cải trồng từ xứ lạnh, hàng bông ở TB trồng trong ruộng nhiều theo mùa không những bán ở đây mà người ta còn chở  bằng xe lam đem xuống chợ BH bán như bầu bí mướp cà dưa các loại khoai....


Rồi theo thời gian hàng sạp bán đủ thứ trong lòng cũng như ngoài chợ mọc lên từ từ nhiều hơn, chợ trở nên đông đúc nhộn nhịp
hơn, chợ tan trễ hơn trước. Ai muốn ăn chay thì có hàng đồ chay của dì hai Dậu. Dì bán mì xào hoặc mì nước chay, bún chả giò chay, ngày rằm thì có thêm món mắm xắt để ăn với bún hoặc cơm.Có thể mua bánh mì không của hàng bánh mì bà 6 để tới hàng của dì 2 Dậu mua vài cuốn chả chay , nhờ dì cắt xéo nhỏ nhận vô bánh mì , bỏ thêm đồ chua, chan nước tưong tỏi ớt lên. Ngon đáo để ,không thua bánh mì xí mại , thịt quay của bà 6.Kế đó cũng có hàng bánh canh bánh tiêu cơm rượu của dì 2 nhà trên Chợ Cũ.Bánh tiêu dì chiên không lớn , thay cho giò cháo quẩy, đủ để ăn với tô bánh canh không có giò heo mà chỉ vài lát thịt mỏng, với hành lá ngò rí thơm rắc chút tiêu mà thấy ấm lòng làm sao !
Chợ họp sớm rồi tan nhưng những nhà ở quanh ngôi chợ , thường là nhà phố chung vách, thì bán suốt ngày .Lúc tôi chưa lên 10 tuổi đã có nhiều tiệm tạp hoá như tiệm tạp hoá  của ông bà Hiệp Thành gốc người bên Cù Lao TH,của cô dương tư Hảnh gốc người trên Cầu Bà Kiên ( ranh giới giữa TB và xã Phước Thành, hướng đường lên TU.), của bác 6 Thạnh (nhà xóm bác 3 Lô), của cô ba Bí, sau có tiệm tạp hoá Vĩnh Phong của Ông bà 5 người Tàu .Tuy tiệm tạp hoá của ông bà Vĩnh Phong có sau mà tiệm nầy lúc nào cũng đông khách hơn các tiệm tạp hoá kia có lẽ có nhiều hàng hơn , giá cả rẻ hơn , hay tại người Tàu mua bán giỏi hơn ngươi Việt ?! Cũng có gần đó 2 tiệm thuốc Bắc của người Tàu là tiệm của anh 2 Huỳnh Thọ Chi , gốc người Chợ Lớn tới, và tiệm Huỳnh Sanh, không rõ ông tới TB từ đâu. Xí mụi cà na đựợc mua 1 trong 2 tiệm thuốc bắc nầy, là 2 món kẹo mà tôi hay vòi vĩnh Má mua cho ngậm thời thiếu nhi khi bị sổ mũi ấm đầu...


Trước đó một thời gian phải nói có 2 lão tiền bối bán thuốc Bắc nhà bên dãy phố bán hàng bông là ông bà 6 Xí, người Tàu nói tiếng Việt  lơ lớ, nổi tiếng bắt mạch hốt thuốc bắc rất hay.Lúc đó Ông bà tuy lớn tuổi nhưng có người con gái nhỏ cưng như trứng mỏng,cũng học chung lớp tiểu học với tôi, và cũng tên là Kim Anh. Kim Anh có tên tục ở nhà là Dứng, được ba má nó giả trai cho nó mỗi lần nó đi học, có lẽ ông bà 6 muốn con trai quá và nó là con cầu con khẩn. Khi cha mẹ qua đời thì Kim Anh lớn lên đẹp như mấy tiểu thơ trong phim Tàu.Tôi có nhiều kỷ niệm khó quên với Dứng (KA) khi đi học với nhau từ nhà tới trường , nhứt là lúc ngồi học viết i tờ với nó , và ông bà 6 mừng vui khi tôi tới nhà , cũng cưng tôi như nó, thường nhét đầy ấp xí mụi cà na trong túi tôi.
TB vớiđa số  dân sống bằng nghề nông như ởnhững thôn quê khác nên người ta thích " ăn chắc mặc bền" .Cá, tôm, gà vịt , heo bò không có nuôi trong ao hồ hoặc chuồng và cho ăn bằng " thức ăn gia súc " được pha chế bằng công thức hóa học như bây giờ. Thời đó ngoài cá thịt mua ở chợ, họ thích ăn cá được vớt hoặc câu lên từ đầm đìa ngoài ruộng như cá chạch, cá lóc, cá rô...hay cá  tôm đi câu ở sông như cá lưỡi trâu, cá lòng tong, cá cơm, cá kèo..., còn gà vịt " đi bộ"nuôi trong vườn nhà .



Một bữa cơm với cơm trắng thơm phức mùi lúa gạo nàng hương, Cá rô hay Cá lóc ruộng kho tộ, rau luộc là rau lang hay rau dền, kèm  tô canh gì đó như canh chua, canh khoai, canh bầu bí...nghe thanh đạm vậy mà đậm đà hương vị, đầy đủ chất bổ dưỡng.Ngoài ra ,món ăn chính trong bữa ăn thường có nhứt của dân quê là " mắm"( những loại cá ướp với muối để lâu cho mềm mục ra).TB thời đó gần chợ phía bên kia đường lên dốc tua 12, đường hướng về Bình Dương, có dựa mắm nổi tiếng của 2 chị em dì ba Út , dì tư Ghi ( vợ thầy Thọ)mà nhà họ cũng ở trên Chợ Cũ.Mùa hè nằm nào cũng vậy nhằm mùa mưa vào ngày nước lớn ở bến Lò Vôi thường có nhiều ghe mắm từ miền Tây lên, 2 dì mướn người gánh mắm đựợc chứa trong thùng thiếc từ bến sông sâu ra dựa mắm ngoài chợ, nhiều nhứt là mắm niêm( làm bằng cá cơm hay cá lòng tong ướp muối ), rồi đến mắm đồng( làm với cá lóc ),mắm sặc ( làm với cá sặc )..và nhiều loại mắm khác.Cách dựa mắm 1 vài căn nhà có nhà cô ba Thao cũng bán khô mắm nhưng bán nhỏ hơn dựa mắm của bà 3 Út.Nhiều người thích  ăn món mắm bằm cũng gọi là mắm niêm , loại mắm làm với con mắm niêm  bằm nhỏ trộn với thơm bằm, tỏi ớt đường và thính,để 2-3 ngày sau cho thắm rồi mới ăn. Ăn cơm trắng với mắm niêm, dầm với cá chiên hoặc thịt luộc và rau luộc.Còn món mắm chưng gồm mắm đồng bằm với thịt ba rọi trộn với trứng vịt , tiêu hành rồichưng chín ăn với dưa chuột, là những món ăn phổ thông của đa số dân quê ,nên dựa mắm ở chợ TB, những làng lân cận  như Xã Phứoc Thành trên cầu Bà Kiên gần cù lao TH, xã Tân Khánh trên đường lên Phú Lợi,BD, xã Tân Hạnh...đều đến dựa mắm nầy để mua sỉ về bán lại.Tiền bạc là yếu tố chính trong mua bán làm ăn ,ngay trong thôn làng nầy , ai cần tiền cũng có thể đến dựa mắm, dù cho có " xăng sít đít đuôi", người cần tiền cũng cảm ơn dù bà chủ chỉ hoạt động kín thôi.Còn một người  hoạt động như một ngân hàng lưu động mà tên tuổi ở chợ Tân Ba ai cũng biết là "bà hai Tóc Quăn " . 


Ngày tôi còn nhỏ xíu còn nắm tay Má tôi tí tửng theo Má tôi đi chợ cho tới lúc tôi đã đi dạy hoc nhiều năm chung trường với cháu ngoại của bà ở địa phương, bà vẫn còn đeo tay cái giỏ đệm nhỏ, trong đó bà đựng đủ thứ tiền mà bà gom góp của các bạn hàng trong chợ .Họlà hụi viên các đầu hụi do bà làm chủ gồm hụi ngày , hụi tuần, hụi 10 ngày, hụi tháng...Người buôn bán muốn để dành tiền từ tiền lời kiếm được, hoặc cần vốn để xoay sở , đều tìm đến bà giúp đỡ, và bà được trả công bằng tiền huê hồng, còn gọi là " tiền cò ". Dù Bà hai chủ hụi làm ăn có tín nhiệm, tánh bà có khi cũng khó khăn, con hụi nào xin vô vui thì bà chấp thuận, không vui thì bà nói " đủ tay rồi ".Dù sinh sống bằng nghề làm chủ hụi, dăm ba bữa bà làm xôi mặn có tôm khô lạp xưởng, hay chiên khoai lang ngào đường, bánh cam để bán. Món nào bà hai làm cũng ngon, và dĩ nhiên bán đắt như tôm tươi.


Thêm nữa , Tân Ba còn có trại bụi của bác Tư Tặng khá có tiếng. Từ dựa mắm của bà 3 Út, đi bộ thẳng lên khoảng hơn 500m là nhà bác phía tay phải. Đối diện nhà bác bên kia đường là trại bụi.Trại bụi của bác tư là khoảng đất rộng , bác cất thành trại có nhiều ngăn vách để chứa tro, phân bón nông nghiệp bán cho nông dân.Bác mướn nhiều người để theo dõi chăm sóc việc trữ , ủ tro phân, hoặc khuân vác tro phân, ngay cả mướn người gánh gánh đi mua tro từ bếp gia đình. Là một ông chủ kinh doanh mua bán, không phải ông chủ sản xuất sản phẩm như ông chủ lò gạch, bác tư như một nhà kinh tế, một chính trị gia và một nhà triết lý. Tôi biết vậy vì lúc đó thỉnh thoảng bác đi bộ xuống nhà tôi thăm Ba tôi. Dù Ba tôi là ông giáo khác công việc của bác nhưng không hiểu sao Bác thích ngồi uống trà đàm đạo với Ba tôi.Mỗi lần Bác tới từ ngoài ngõ là nghe tiếng Bác rồi. Bác hay ngậm ống pipe, tay cầm cây gậy ( hình như bác có 1 chưn hơi yếu ) , tiếng bác sang sảng.Bác diễn tả cái gì bác thích thì bác cười vang như ông hề cải lương Văn Chung.Dạo đó đất nước còn chiến tranh, bác thừơng bàn về Sấm Trạng Trình với ba tôi , có vẻ uư tư về thời cuộc .Ba tôi không đồng ý khi Có lần Bác nói " Ông Bà mình nói ăn ở có Đức thì có sức mà ăn, thiệt  ra thầy Năm biết hôn, làm ăn mà tính cái Đức miết thì ...có gì để ăn đâu !...".Ba tôi nói bác  tư thực dụng quá...Bác quê ở Tân Lương, một xã nhỏ vùng xôi đậu không an ninh trên đường lên Tân Uyên,  chỗ mà bác có đất ruộng nhiều. Bác đã tiên đoán đúng khi về mở trại bụi  và sinh sống ở Tân Ba và bác  đã thành công...

Rồi thời gian qua đi qua đi, khi tuổi thơ tôi lớn dần lên thì đời sống làng quê Tân Ba cũng thay đổi dần. Người làm nông đã thay con trâu với cái cầy bằng máy cày Kubota, thay vì trồng lúa một mùa họ đã biết tìm giống lúa  để  một năm có 3 -4 vụ mùa thu hoạch.Đồng thời việc mua bán ở ngoài chợ cũng khác xưa, bận rộn hơn, ồn ào bát nháo hơn. Không còn 1 bà hai chủ hụi mà có thêm nhiều bà chủ hụi khác, chợ không tan sớm mà bán cả ngày với nhiều hàng quán hơn. Đời sống thay đổi theo sự tiến triển của khoa học và kinh tế, nông dân cũng như người bán hàng bớt dần tính chất phác thật thà .Người ta phải biết tính toán mưu mẹo để theo kịp nhịp sống dù là trong xã hội nông thôn. Dần dần người Tân Ba không phải chỉ những ai có gia đình mấy đời đã sống ở đây hay vùng lân cận, mà còn rất nhiều người tứ xứ từ đâu xa tới.Nhiều nốc nhà mọc lên trên từng mảnh ruộng, chợ thì sạp hàng san sát bên nhau với âm thanh xe cộ suốt ngày, không còn một khoảng đất trống nào trên những con đường làng quen thuộc như con đường đi ngang đình làng xuống xóm nhà máy gần bờ sông...Giờ đây không còn hương lúa chiều hôm những ngày cận tết , không còn nghe tiếng chim hót líu lo gọi đàn nữa...Từng thế hệ đi qua, Tân Ba giờ đã thay tên đổi họ rồi.

Ngọc Sương

(còn tiếp )