Chiếc Mũ Năm Xưa
Võ Quách Thị Tường Vi
Nhìn qua khung cửa sổ của phòng cấp
cứu, bên ngoài trời đã bắt đầu xế chiều. Cơn nóng của mùa Hè vẫn còn gay gắt
khi tôi chạm tay vào cửa kiếng. Sắp tới giờ đi thăm bệnh nhân trong khu nội trú
rồi. Từ khi vào bệnh viện hồi sáng sớm đến giờ, tôi chưa có dịp để đi ra ngoài.
Phòng cấp cứu hôm nay quá bận với
nhiều bệnh nhân bị bệnh rất hiễm nghèo cần chửa trị kịp thời. Có ba bệnh nhân
không thở được nên phải đặt ống thở nội khí quản và đã được chuyển lên phòng
ICU hay Phòng Hồi Sinh để theo dõi điều trị. Năm bệnh nhân khác đã nhập viện để
cho thuốc kháng sinh theo đường nước biển, và cho thuốc hoá trị khẩn
cấp, vì bệnh ung thư đã lan tràn nhiều nơi. Có những bệnh nhân đã được trị bệnh
bằng hoá chất, sau một thời gian khoảng chừng 7 tới 10 ngày thì tiểu cầu, hồng
huyết cầu, và bạch huyết cầu đã bị xuống thấp, bị sốt cao, không ăn uống gì
được, rất nguy hiểm đến tính mệnh. Còn những bệnh nhân khác đi vào phòng cấp
cứu vì bị tăng độ đau đớn trong người, hay đang chờ kết quả xác nghiệm của máu,
nước tiểu, hình chụp quang tuyến, hay CAT Scan và MRI.
Không khí trong phòng cấp cứu bây
giờ thì cũng không ồn ào lắm. Phần lớn ai cũng ăn nói nhỏ nhẹ và ít gây tiếng
động. Nhưng một khi có bệnh nhân bị tắt thở, tim ngừng đập, các nhân viên của
phòng cấp cứu phải gọi “code blue” để được cấp cứu lập tức.
Khi code blue này được gọi, có những bác sĩ ngoại khoa
hay chuyên về gây mê cũng túc trực một bên, để trong những trường hợp khó tìm
mạch máu hay cần bỏ ống thở vào nội khí quản thì họ sẽ sẳn sàng mà giúp một
tay. Không khí trong phòng cấp cứu sẽ sống động hẳn lên, với tiếng người đối
đáp, máy móc lao xao, điện thoại hay máy Fax rung tiếng liên hồi, và những âm
thanh lanh lãnh qua hệ thống truyền tin trên trần nhà. Đôi khi, cũng có những
tiếng nấc nghẹn ngào của những gia đình thân nhân vì đang lo lắng không biết
người thân yêu của mình có qua khỏi lúc ngặc nghèo nầy hay không. Ban đầu, mới
nhìn vào thì thấy rất hổn loạn, nhưng thật ra thi nó cũng có cái thứ tự riêng
của nó. Mọi người ai cùng có một vài nhiệm vụ để làm, như một bộ máy liên kết
cùng ăn khớp với nhau.
Tôi về làm cho bệnh viện này từ hồi
mới ra trường. Tưởng chừng sẽ làm tạm ở đây vài năm rồi chuyển qua ngành tim
mạch mà tôi rất có cảm tình từ khi còn đi học. Nhưng dần dà tôi lại thích tiếp
xúc với những bệnh nhân bị những chứng bệnh nan giải nầy. Tôi thông cảm và thấy
thật gần gủi với họ. Và “vài năm” của tôi lại trở thành “vài mấy chục năm” nay
rồi.
Bệnh viện nầy chuyên chửa trị bệnh
ung thư và là một bệnh viện lớn nhất trên nước Mỹ với những chương trình
nghiên cứu và điều trị ung thư rất tân kỳ. Bệnh nhân của nhà thương nầy đến từ
khắp nơi trên thế giới. Từ những người nói tiếng Tây Ban Nha đến tiếng Thố Nhỉ
Kỳ, tiếng Trung Đông, Châu Phi, Phi Luật Tân, hay tiếng Tàu…Như vậy tôi cũng
được học hỏi thêm nhiều và thích nhất là những người đồng nghiệp của tôi cũng
rất dễ thương và thân thiện.
Mấy năm đầu, vì là một trong những người Việt Nam đầu
tiên làm việc ở nhà thương nầy, nên mỗi khi có bệnh nhân người Việt đến, tôi
thường hay được gọi để thông dịch giùm. Nhiều khi quá bận, không đến được lúc
ấy thì tôi lại tìm dịp ghé thăm sau, để hổ trợ tinh thần cho những người bệnh
nhân nầy và gia đình của họ. Và từ đó tôi đã trở thành “Cô V Y Sĩ” mà những
bệnh nhân thường hay gọi một cách rất thân tình. Tôi đã trở thành một phần tử
trong gia đình của họ một cách “bất đắc dĩ”, từ những bữa tiệc mừng sinh nhật
thôi nôi, đến cả những ma chay cưới hỏi, họ đều muốn tôi tham dự. Sau nầy, khi
số bệnh nhân người Việt tăng nhiều, ban điều hành của bệnh viện có mướn thêm
thông dịch viên nên tôi cũng đở...khổ. Và cũng như đã hiễu ngầm với nhau, mỗi
khi có bệnh nhân người Việt vào phòng cứu cấp, các vị y sĩ khác đều “nhường”
cho tôi. Họ thường nói là tôi sẽ hiểu ý bệnh nhân hơn và như vậy việc chửa trị
cho bệnh nhân cũng sẽ được hiệu quả hơn. Tôi thì chỉ cười và nói sao cũng đuợc,
nhưng trong lòng rất vui vì có dịp đế tiếp xúc và hàn huyên với đồng hương
người Việt của mình. Tôi luôn thầm nhủ rằng mọi việc trên đời đều có số mệnh
cả. Nếu mình có thể chia sẻ những buồn vui, tạo niềm tin yêu, và giữ nguồn hy
vọng cho những người bạn đồng hương kém may mắn này thì việc gì rồi cũng có thể
qua đi.
ooOoo
Có bàn tay ai đang đặc nhẹ trên vai
tôi. Tiếng của Ted nói:
- Tới giờ đi khu nội trú rồi. Mình đi thôi.
Ted là một bác sĩ chuyên về nội thương và làm chung nhóm
của tôi. Anh trẻ hơn tôi khoảng 5 tuổi, rất tận tâm với bệnh nhân. Anh hay tâm
sự với tôi về việc gia đình cùng hai đứa con và người vợ Ý Đại Lợi của anh.
Chúng tôi rất thân thiết trong tình đồng nghiệp làm chung với nhau.
Cầm cái ống nghe bỏ vào túi áo lab, tôi đứng lên đi với
Ted. Bỗng cô Jenny, điều dưỡng trưởng của phòng cấp cứu, lật đật chạy vào:
- Dr. V, có một nguời bệnh nhân đang đến bằng xe cứu
thương trong vòng vài phút. Rất nguy kịch không thở đươc. Ông ấy chỉ nói tiêng
Việt thôi, nhờ Dr. V ở lại một tí để giúp chúng em nhé. Cô Jenny năn nỉ.
Bác sĩ Ted nói:
- Thôi V cứ ở lại một chút đi, tôi đi trước cũng
được. Khi nào xong thì gặp nhau ở khu Tim Phổi lầu 7 đó nha.
- Ok, cảm ơn Dr. Ted nhiều nhe.
Quay qua cô Jenny tôi hỏi:
- Bệnh nhân này là ai vậy Jenny?
- Dạ đây là ông Thanh, 60 tuổi, bệnh nhân mới của bệnh viện,
tuần trước có vào phòng khám để gặp bác sĩ Morris vì bệnh ho kinh niên. Họ đang
tình nghi bệnh nhân bị bệnh lao phổi đó. Như vậy thì mình phải đeo mask (khăn vuông nhỏ có giây thung choàng
đầu đeo vào để bảo vệ mủi miệng ngăn ngừa khỏi bị lây bệnh).
- Ok, thôi mình qua phòng code blue đi.
Phòng code blue là phòng dành cho
những bệnh nhân bị nguy hiểm đến tính mệnh, sắp chết hay hấp hối. Phòng này có
đầy đủ dụng cụ cứu cấp, Oxigen, máy đo hay shock tim, phòng mổ tiểu khoa, thuốc
mạnh cấp cứu. Khi bệnh nhân không may phải vào phòng này thì sống chết như chỉ
mành treo tơ, hy vọng chỉ dặt vào trong tay của những bác sĩ cùng điều dưỡng
chuyên nghề.
Có tiếng còi xe cứu thương hụ lên từ
ngoài đường lớn và ngừng lại ở trước cửa vào của phòng cấp cứu. Hai người trong
xe cứu thương nhảy ra, hai người hai bên, đẩy một băng-ca đi ở chính giữa. Trên
băng-ca này có một bệnh nhân người Á Châu, thở rất khó khăn và đang được tiếp
hơi Oxigen chuyền qua ống dây nhỏ gắng vào trong lổ mủi. Bệnh nhân độ chừng
khoảng 57 tới 60 tuổi, mái tóc đã điểm muối tiêu trên một vầng trán rộng với
đôi chân mày đen rậm đẫm giọt mồ hôi. Khi chuyển từ băng-ca qua giường, anh cố
giương mắt lên nhìn nhưng sau vài giây là nhắm mắt lại. Hai bàn tay để trên
bụng và đang nắm chặt một túi xách của hãng hàng không Pan Am đã ngã màu, các
góc cạnh thì sờn và bị nứt nẻ rất nhiều.
Các y tá điều dưỡng và nhân viên
phòng cấp cứu đổ ập lại. Người thì lấy áp xuất máu, người thì lấy máu, người
hỏi hồ sơ lý lịch của bệnh nhân qua người bạn cùng đi theo đến bệnh viện. Không
khí phòng cấp cứu sống động hẳn lên. Nhân viên nào cũng đeo mask màu vàng và
mang găng tay khi tiếp xúc với bệnh nhân. Khi một cô y tá giở tay anh để lấy
cái túi xách Pan Am đi thì anh bấu chặt lại, không cho gở ra. Người y tá phải dỗ
dành hứa là sẽ trả lại cho anh, một lát sau anh mới chịu nhẹ lơi tay ra.
Có tiếng của Jenny báo cáo:
- Dr. V, áp xuất của ông Thanh là 76/48, mạch máu là
120 nhịp một phút, hơi thở là 28 trong một phút, độ Ốc-xi trong máu là 86 với
lượng Ốc-xi non rebreather mask.
- Em cho 1 lít dung dịch nước biển vào mạch máu mau
đi. Mở cho nước biển chảy thật nhanh nhé. Gọi ban gây mê và chuẩn bị cho đặt
ống vào nội khí quản. Tôi nói.
Jenny báo cáo tiếp:
- Dr. V, kết quả thử nghiệm về rồi với hồng huyết cầu
là 2, tiểu cầu 45000, bạch huyết cầu 15000. Mấy thử nghiệm khác cũng bình
thường.
Bệnh nhân nầy thiếu máu? Tại sao? Tôi đặt câu hỏi trong
đầu mình. Khi tôi khám bệnh nhân dù tim đập rất nhanh nhưng nhịp độ thì bình
thường, phổi thì khò khè và khó thở, người không bị phù thủng. Bệnh nhân chỉ hé
mắt nhìn tôi rồi khép lại. Tôi nói với Jenny.
- Em cho bắt đầu kháng sinh bằng đường vein đi nhé.
Lúc nầy thì một bác sĩ gây mê đã đến đặt ống thở vào khí
quản của bệnh nhân. Bỗng Jenney hớt hải chạy đến báo cáo với tôi:
- Dr.V, áp xuất của ông Thanh giờ bị tuột xuống còn
60/30 thôi và mạch rất yếu
Tôi ra lệnh:
- Bắt đầu Dopamine drip đi em và bolus 1 lít
dung dịch nước biển đi. Khi áp xuất huyết ổn định một chút, em cho bệnh nhân đi
chụp CT scan của phần ngực nhe.
Dopamine là một loại thuốc có thể làm mạch máu co lại và
áp xuất tăng lên.
Khoảng chừng 30 phút sau thì Jenny cho biết là áp xuất
của ông Thanh đã ổn định và hơi thở cũng bình thưòng với máy trợ hơi
thở-respirator và đang được chuyển lên phòng cấp cứu đặc biệt (ICU). Phong,
người bạn của Thanh, vẫn đứng lẫn quẫn trong phòng cấp cứu. Tôi đến nói chuyện
với Phong một chút.
Phong kể rằng ngày xưa Thanh học bên
Đại Học Khoa Học đến năm thứ Hai thì bị động viên đi khoá sĩ quan trừ bị Thủ
Đức. Sau 75 thì ở lại Việt Nam. Thanh qua định cư ở Mỹ hơn 15 năm nay rồi, đã
ly dị và có một đứa con gái, nhưng ngưng liên lạc với gia đình gần 10 năm nay.
Anh hút thuốc lá rất nhiều và thường có những cơn ho liên tục từ 5 năm về
trước. Lần gặp bác sĩ Morris tuần rồi, anh bị nghi là vướng bệnh lao và đang
chờ kết quả của cuộc thử nghiệm của đàm. Cuộc đời Thanh có những thăng trầm mà
Phong đã tâm sự sơ qua cho tôi nghe một cách rất nhẹ nhàng và vắn tắc. Khi nghe
Phong kể lại những chuyện nầy làm tôi nhớ về những năm học ở Đại Học Khoa Học ở
Sài Gòn.
ooOoo
Sau khi học xong bậc trung học ở
trường công lập Ngô Quyền, Biên Hoà, tôi lên Sài Gòn học tiếp. Tôi ở chung với
năm người bạn gái khác, trong một căn nhà nhỏ có gác ở trên từng hai, đường
Hồng Thập Tự, Sài Gòn. Chúng tôi chia ra để làm những việc như nấu cơm, đi chợ
cho cả nhóm. Có những tối, cả nhóm họp lại, tôi đánh đàn guitar, các bạn quay
quần hát những bài hát như Như Cánh Vạc Bay, Phố Núi Cao Phố Núi Đầy Sương, Căn
Nhà Ngoại Ô.. .Cả đám cười vui trên căn gác trọ nhỏ hẹp. Từ căn nhà trọ nầy đến
trường thì rât gần, tôi đi bộ được. Nhớ hồi ấy có hai hàng cây phượng tây rợp
bóng mát hai bên đường, đi bộ rất là thú vị. Tôi nhớ lại những buổi sáng thứ
Bảy có giờ thực tập tại phòng lab cho môn động vật, mổ con tôm càng bị đầu tôm
chích vào tay đau điếng, và có những lần tôi đi học trể, bị khoá cửa không được
vào, đi lang thang trong khung viên trường đại học. Trường đông sinh viên,
không đủ chổ ngồi nên chúng tôi thường chen chúc nhau ngồi trên sân khấu của
giảng đường gần thầy cô, vừa dễ nghe, nhưng phải tội là sau mấy tiếng đồng hồ
ngồi một chổ, lưng và chân thiếu điều muốn co lại, đi không nổi. Tôi cũng nhớ
có những lần lên Thủ Đức đi tìm những lá cây cho môn thực vật. Khi đi về nắng
cháy da, nằm la liệt mấy ngày.
Tôi thường hay đội cái mũ nhựa
trắng, phủ che mặt và phía sau đầu, nhưng vẫn không đủ mát cho những ngày nắng
cháy Sài Gòn hay Biên Hoà. Chiếc mũ này có rất nhiều kỷ niệm đối với tôi. Tôi
đã dùng tiền lương đầu tiên ít ỏi mà tôi đã kiếm được bằng đi dạy kèm để mua
cái mũ này. Dù không trị giá bao nhiêu, nhưng đối với tôi nó thật là to lớn vì
nó tượng trưng cho sự trưởng thành và tự lập của mình. Và từ đó chiếc mũ này đã
theo tôi đi nhiều nơi như khi tôi tham gia vào đám văn nghệ “Thằng Buờm”, cùng
các bạn bè đi lang thang trong các câu lạc bộ, hát nhạc dân ca, đi học hay đi
lên Bình Dương, dọn dẹp lại những căn nhà bị phá vở vì bom đạn. Và có những
buổi sáng sớm thứ Hai, tôi đạp xe từ Phúc Hãi-Dưỡng Trí Viện lên nhà Ga Biên
Hoà để đi Sài Gòn học, hai bên đường rất vắng vẻ vào lúc năm giờ sáng, đầu vẫn
đội cái mũ nầy làm tôi cũng bớt sợ. Sau đó một dạo thì tôi làm mất cái mũ này,
tìm hoài không thấy. Tôi lại thay nó bằng một cái nón lá nhưng ít đội hơn vì
nón lá, khi chạy xe đạp xuống dốc, hay bị gió cản lại, rất là bất tiện. Mới đây
mà đã mấy chục năm rồi, vật đổi sao dời, cảnh cũ người xưa không bao giờ tìm
lại được.
ooOoo
Ngày hôm sau, tôi có ghé qua phòng
ICU thì thấy Thanh có vẻ bớt nhiều, tỉnh táo hơn một chút nhưng vẫn còn dùng
ống hô hấp nhân tạo. Anh nhìn tôi một cách chăm chú và chúng tôi dùng tay làm
dấu để nói chuyện với nhau. Nhân viên điều dưỡng cho biết anh sẽ không cần ống
hô hấp nhân tạo nữa vào chiều nay nếu mọi việc không có gì thay đổi. Thanh làm
dấu cho tôi biết là anh đang thèm thuốc lá. Trời ơi! Bệnh gần chết mà cũng còn
ghiền thuốc!!! Tôi lắc đầu và mỉm cười mà thôi. Kết quả về vi trùng lao -Kock-
được thử nghiệm nhưng chưa có. Nhân viên nhà thương vẫn còn đeo mask khi đến
chăm sóc anh.
Buổi chiều ngày hôm sau, tôi đến
thăm, thì Thanh được di chuyển xuống khu bệnh lao phổi. Thanh có vẻ khoẻ hơn
nhiều, hơi thở bình thường và ống thở đã được rút ra, chỉ còn thở Ốc-xi qua mủi
thôi. Thấy tôi thì Thanh mỉm cười và lên tiếng chào. Thanh hỏi.
- Dạ đây có phải là Dr. V mà hôm tôi mới vào đã gặp rồi
phải không?
- Đúng vậy đó anh Thanh. Hôm ấy anh bị bệnh rất nặng.
Tôi rất là ngạc nhiên khi anh còn nhớ. Anh thấy người ra sao? Thở còn khó khăn
không? Tôi hỏi.
- Dạ tôi đã bớt nhiều, thở có vẻ dễ dàng hơn nhiều. A,
Dr. V, xin lỗi không hiểu Dr. V sinh ở đâu vậy? Thanh hỏi.
- Dạ tôi sinh ra ở Bình Định và lớn lên ở Biên Hoà. Mà
anh hỏi để làm gì vậy ? Tôi hỏi lại.
- Dạ tôi thấy đôi mắt của Dr. V mang máng giống một
người nên hỏi vậy thôi. Xin lỗi nha.
Thanh trả lời giọng nói của anh lộ vẻ buồn bả, âm thanh
trầm như có chút buồn phiền và trách móc. Tôi hỏi.
- Nghe bạn anh nói ngày xưa anh học ở Đại Học Khoa Học.
Tôi cũng học ở đó mấy năm. Anh học năm nào vậy?
- Dạ tôi học năm 72-73. Cuối năm 73 thì tôi bị động
viên nên đi Thủ Đức. Thanh trả lời.
- A, thì ra vậy. Lớp đông quá nên không nhớ ai là ai
cả. Tôi nói.
- Vâng, đúng vậy. Thanh nói xong rồi im lặng. Đôi mắt
nhìn xa xăm và biểu lộ sự mệt mỏi.
Tôi về phòng làm việc, coi lại hồ sơ
của Thanh. Khi liếc qua kết quả của CT phổi thì tôi khựng lại, tim như muốn
ngừng đập một giây phút. Kết quả ghi rõ ràng là có một cục bứu rất lớn, khoảng
chừng 4.5 cm ở phổi phía trên bên trái với những đặc điểm tiêu biểu cho ung thư
phổi loại tế bào Oat Cell hay tế bào ung thư phổi loại nhỏ. Những tế bào ung
thư nầy đã lan tràn qua những hạch chung quanh và đến gan. Oat Cell hay những
tế bào ung thư ung loại nhỏ rất là khó trị, lan tràn rất mau, và tỷ lệ sống sót
trong vòng 5 năm rất thấp. Loại ung thư nầy, nếu dùng hoá trị (thuốc trị những
tế bào ung thư, thông thường phải chuyền qua mạch máu qua nhiều chu kỳ), thường
mang đến kết quả hữu hiệu hơn so với những cách trị khác.
Tôi gọi bác sĩ Ted, bây giờ bác sĩ
nội khoa cho Thanh. Ted hẹn sẽ gặp tôi ở phòng của Thanh để chúng tôi cùng
thông báo kết quả cho bệnh nhân biết. Khi chúng tôi đến phòng Thanh thì Phong
cũng có mặt. Ted báo hung tin nầy cho Thanh, còn tôi thì thông dịch lại. Thanh
im lặng không nói gì cả. Còn Phong thì hỏi những câu hỏi như cách chửa trị, có
thể sống bao lâu nữa…
Tôi trả lời những câu hỏi nầy cho Phong, còn Thanh thì
vẫn tiếp tục yên lặng. Khi Ted đi rồi thì Thanh hỏi tôi.
- Ung thư phổi thì từ đâu mà ra vậy, Dr. V?
- Cũng có nhiều nguyên do. Có thể do môi trường mình
sống, gia truyền, miễn nhiễn, chất hoá học. Phần lớn là do thuốc lá mà ra.
- Như vậy cai thuốc lá có khó lắm không? Tôi cũng muốn
bỏ cái thói quen nầy nhưng thấy khó quá.
- Cũng không khó lắm. Nếu anh muốn thì chúng tôi sẽ chỉ
cách cho anh nhe.
- Phải chi hồi đó tôi cai thuốc lá sớm thì có thể tôi
không bị ung thư phổi phải không Dr. V? Thanh nói.
- Cũng có thể lắm. Nhưng bây giờ anh đã bị rồi, thì
cũng nên chú trọng với thực tế để tìm cách chửa trị nhe.
- Như bệnh ung thư của tôi thì Dr. V nghĩ là tôi
sẽ sống được bao lâu nữa? Xin hãy thành thật mà trả lời.
- Thật ra thì khó nói lắm. Ung thư loại tế bào nầy rất
là nguy hiểm và khó trị. Tôi trả lời một cách thành thật.
Thanh im lặng. Tôi thấy có những
giọt nước mắt ứa ra ở khoé mắt của anh. Anh khóc âm thầm.
Tôi đi ra bên ngoài để tránh cho anh nhìn thấy mình cũng
đang khóc. Tôi khóc thương cho số phận một con người với nhũng chuổi đời thăng
trầm theo vận nước nổi trôi. Tôi khóc thương cho Thanh và cũng hình như khóc
thương cho chính mình.
Khi tôi trở lại thì Phong đã đi về,
chỉ còn một mình bệnh nhân nằm, cái hình bóng nhỏ nhoi trông thật tội nghiệp
nằm im trên tấm khăn trải giường trắng mướt. Nghe tiếng động, Thanh quay lại và
ánh mắt sáng lên khi nhận ra tôi. Tôi bây giờ không đeo chiếc mask nữa vì biết
rằng sau cuộc thử nghiệm anh không bị lao phổi mà bị những tế bào gây ung thư
phổi.
- Dr. V đó à, tôi cũng muốn nói chuyện với Dr. V một
chút. Dr. V có thì giờ để tôi nói chuyện không?
- Tôi có nhiều giờ lắm. Anh Thanh cứ nói đi. Tôi đáp lời.
- Cuộc đời tôi bây giờ có hai nguyện vọng. Thứ nhất là
gặp được con gái tôi sau mười mấy năm xa cách. Còn nguyện vọng thứ hai thì mong
manh lắm, tôi chắc sẽ không thành đâu. Thanh ngập ngừng.
- Lần cuối anh gặp con gái ở đâu và bao lâu rồi? Tôi hỏi.
- Khoảng chừng 10 năm. Tôi lập gia đình khi gặp vợ tôi
15 năm về trước. Nàng lúc ấy có một vẻ đẹp u buồn, giống như người con gái mà
ngày xưa tôi đã gặp. Sau 5 năm thì tình cảm giữa chúng tôi phôi pha. Cũng không
hiểu tại sao. Chúng tôi lúc đó ở San Jose, nàng theo đạo Công Giáo và có gia
đình thân quyến ở đây. Hơn mười mấy năm không liên lạc, tôi nghĩ là họ không
còn ở đó nữa đâu. Thanh nói.
- Còn nguyện vọng thứ hai của anh là gì? Tôi hỏi.
Thanh ngập ngừng không nói. Tôi cũng không ép Thanh làm
gì.
ooOoo
Tối đó, khi về nhà tôi liên lạc với
ông anh tinh thần tên Peter đang làm việc ở Los Angeles. Nói là anh chứ thật ra
ông ấy là linh mục của một giáo phận Công Giáo ở vùng Riverside. Sau khi nghe
chuyện xong, linh mục Peter bảo tôi hãy yên tâm để ảnh liên lạc giúp tìm vợ con
anh Thanh. Hai ngày sau, cha Peter gọi lại báo tin đã tìm đưọc họ rồi. Số là,
cha Peter có điện thoại về địa phận Công Giáo vùng San Jose và nói chuyện cùng
cha xứ ở đó. May mắn thay vợ của Thanh còn một bà mẹ ở xứ đạo nầy và cha xứ đã
nói chuyện cùng bà ấy về việc Thanh muốn gặp lại vợ con mình.
Hằng ngày tôi vẫn đến thăm Thanh.
Thời kỳ nầy anh đang được chửa trị bằng hoá trị. Anh cũng bị những phản ứng phụ
như ói mữa, buồn nôn, đi tiêu chảy và tiểu cầu cùng hồng huyết cầu bị xuống
thấp nên phải tiếp huyết cùng chuyển tiểu cầu. Thanh vẫn buồn bả và thỉnh thoảng
tôi thấy Thanh khóc. Còn người thì hốc hác đi nhiều. Tôi không nói cho Thanh
biết về vụ vợ con Thanh, để tránh cho Thanh khỏi thất vọng, nếu không gặp được
vợ con mình. Thanh cũng không nói nguyện vọng thứ hai của anh là như thế nào.
Sau đó một tuần, một buổi chiều tôi
ghé thăm Thanh. Qua cửa sổ kiếng của phòng, tôi thấy có hai người đang quây
quần kế bên anh. Một người đàn bà giống như là vợ của anh và một cô bé chừng
15-16 tuổi. Tôi đoán chắc là vợ con của anh. Thanh ngó ra và tôi đã thấy ánh mắt
của anh. Ánh mắt vừa tỏ vẻ biết ơn nhưng lại đượm buồn thêm một chút gì u uẩn
nào khác nữa. Tôi mỉm cười và giơ tay lên chào. Anh gật đầu và cũng mỉm cười
lại. Tối hôm ấy, tôi không ghé thăm Thanh như thường lệ, nhưng trong lòng tôi
rất vui mừng, vì biết rằng Thanh đã tìm được vợ con của mình. Tình cảnh đã thay
đổi vào lúc cuối đời rồi, Thanh cũng nên hoà giải để tâm hồn được an vui và
thanh thản một chút. Tôi thầm nghĩ như vậy.
ooOoo
Chiều hôm sau, tôi ghé qua thăm
Thanh thì phòng nay đã trống. Cô trưởng toán điều dưỡng ở khu nầy đến gặp tôi
báo là Thanh đã đi về San Jose với vợ con mình và nhờ trao cho tôi một cái túi
xách bằng nhựa. Bên trong túi xách nầy có một cái túi xách Pan Am mà tôi đã
thấy khi Thanh mới vào nhà thương nơi phòng cứu cấp. Mở cái túi xách Pan Am ra
thì trong đó có một túi đồ. Tôi vội mở túi đồ ra thì có một lá thơ và một cái
mũ màu ngà đã sờn mòn nứt nẻ nhiều nơi. Tay run run tôi cầm mở rộng cái mũ cũ
nầy ra. Vành mũ bên trong có 5 chữ viết bằng mực xanh mà nay tuy nét mực đã mờ
loang lổ nhiều nơi, nhưng tôi vẫn nhận ra là nét chữ và tên của mình. Chuyện gì
đây? Sao cái mũ nầy lại ở đây?
Trời ơi thật khó hiểu quá. Tôi không tự chủ nổi, vội ngồi
bệt xuống cạnh cầu thang máy và mở lá thư của Thanh ra đọc.
V thân mến,
Rất ngạc nhiên lắm phải không V khi nhận lá thư nầy.
Xin lỗi V cho Thanh được gọi tên Dr. V một cách thân mật nhe. Mình đã học chung
với nhau ở Đại Học Khoa Học mà V vô tình không còn nhớ Thanh nữa đó V. Thanh là
người hay ngồi đàng sau lưng của V khi mình học môn Sinh Lý Sinh Hoá của bà
Phiêu (vợ Bác Sĩ Trần Nguơn Phiêu) dạy.
Có nhiều lần Thanh định làm quen với V nhưng không có
cơ hội. Một hôm tình cờ thấy V bỏ quên cái nón của mình ở trong trường Thanh đã
lấy về. Rồi mấy lần định trao lại cho V nhưng không đành lòng. Thôi thì cứ giữ
một chút gì của V để mình thương nhớ.
Cả đời Thanh đã mang cái nón của V theo mình hơn 40
năm. V ơi, chiếc nón nầy đã vào sinh ra tử với Thanh khắp bốn vùng chiến thuật,
đã trải qua những thăng trầm dâu bể cuộc đời. Thật ra thì Thanh cũng rất hạnh
phúc vì lúc nào cũng có cảm tưởng là V đang ở cạnh mình.
Hôm Thanh từ giả trường lớp để đi Thủ Đức, có viết thư
giả từ với V và xin gặp V một lần. Thanh đợi suốt cả buổi sáng nhưng không thấy
V đến. Khi có dịp thì Thanh cũng cố tìm V nhưng V đã biệt tích rồi. Nghe phong
phanh bạn bè nói là V đã chết rồi. Thanh thì không bao giờ tin như vậy.
Ngày đầu vào nhà thương, Thanh đã nhận ra V liền dù
thời gian có làm V thay đổi, nhưng ánh mắt và nụ cười của V không khác xưa.
Định nói ra cho V rõ nhưng lại thôi. Mọi sự đã muộn màng rồi. Nói ra chi làm
bận lòng người bạn của mình.
Bây giờ Thanh xin trao lại chiếc nón này cho chủ cũ của
nó. Lòng của Thanh cũng rất thanh thản vì cuối đời được gặp lại V. Lại được V
chăm sóc mấy tuần lễ nay rất chu đáo và có dịp nói chuyện với nhau như hai
người bạn thân thiết ngày xưa.
Cảm ơn V đã lo lắng và chăm sóc Thanh mấy tuần lễ qua.
Cũng xin cảm ơn V đã giúp tìm lại con gái của Thanh. Thanh bây giờ xin trao trả
lại cái nón cho chủ cũ của nó.
Tất cả tâm tình của Thanh trong mấy chục năm qua cũng
xin gửi lại cho V. Xin V nhận vì đây là nguyện vọng thứ hai và cuối cùng của
Thanh.
Vĩnh biệt nhe.
Thanh
Nước mắt tôi đã rơi ướt đẫm trên thư
của Thanh hồi nào tôi cũng không biết. Thật cả một chân tình mà tôi vô tình
không rõ.
Nếu Thanh biết rằng năm xưa, khi nhận được thư của Thanh,
dù không biết Thanh là ai, tôi cũng đã bâng khuâng, nửa muốn đến gặp người bạn
nầy trước khi lên đường nhập ngủ, nửa lại ngại ngùng. Nhưng giờ cuối cùng thì
tôi có đến chỗ Thanh đã hẹn, nhưng đã muộn vì xe cam-nhông đã chuyển bánh trên
đường vào Thủ Đức. Nếu biết vậy thì Thanh cũng có phần nào an ủi. Thôi cũng là
số mệnh!
Và trời ơi! Bây giờ tôi lại mất đi
thêm một người bạn cho cái bệnh ung thư quỷ quái này nữa rồi. Cả đời tôi đã làm
việc không biết mệt để đem một chút gì hiểu biết về ung thư ra chia sẻ cho
người đời qua những buổi thuyết trình, hướng dẩn, hổ trợ để ngăn ngừa hay tìm
kiếm ung thư sớm.
Phải chi tôi gặp lại Thanh sớm hơn để có dịp khuyên Thanh
nên ngừng hút thuốc, để tìm kiếm bệnh này sớm thì biết đâu Thanh sẽ không đến
nỗi phải bó tay như bây giờ. Phải chi ...phải chi…
Cả một nỗi niềm hối tiếc ân hận đè nặng trỉu trong lòng
tôi. Tôi biết cuộc hành trình để tìm kiếm và diệt trừ ung thư của tôi vẫn còn
dài đăng đẳng không biết bao giờ cho xong.
ooOoo
Ở trên đời có những mối tình như cơn
lốc, khi qua rồi thì để lại những tàn phá đau thương. Cũng có những mối tình
đơn phương, nhẹ nhàng, thâm trầm và sâu sắc để lại cho tâm hồn tràn đầy những
kỷ niệm như những hương xưa, những kỷ vật đơn sơ, những lời thơ mộc mạc, những
nụ cười bâng khuâng, hay một bản nhạc thân tình. Xin hãy trân quý gìn giữ những
mối tình nầy, vì tất cả có thể làm cho chúng ta cảm thấy hạnh phúc và ấm áp cõi
lòng, vì biết rằng đâu đó trên cõi đời này, có một người nào đó lúc nào cũng nhớ
và yêu thương mình. Khi có dịp để lo lắng cho nhau thì cũng nên hết lòng hổ trợ
để biết đâu mình có thể duy trì sức khoẻ hay mạng sống cho những người thân mến
này.
Tôi đang trầm ngâm suy nghĩ thì có tiếng gỏ cửa phòng và
giọng Jenny :
- Dr. V, có một cô bệnh nhân mới đến phòng số 32, 43
tuổi, người Việt, bị ung thư ngực tới thời kỳ thứ 4, xin Dr. V giúp tụi em một
chút nhe. Jenny năn nĩ.
- Được Jenny, tôi sẽ đến liền. Tôi trả lời.
Lại thêm một ngày nữa và đời sống
mọi người cứ đi vòng quanh như vậy, theo những lối đi mà định mệnh đã an bày.
Như nước của những dòng sông cứ theo phương hướng đã định trước mà tụ tập về
lòng đại dương. Thôi thì ta hãy an vui với số phận của mình, hãy tiếp
tục cuộc hành trình mà mình đã chọn lựa, và cứ ấp ủ những mối tình mà mình đã
có trong tâm hồn, vì đó là những nguồn hạnh phúc mà không ai lấy đi được. Tôi
thầm nhủ, với những hành trình dài và gập ghềnh trong cuộc sống mà mình
còn giữ được những tâm tình như vậy thật không phải là hạnh phúc và may mắn lắm
sao?
Sài Gòn, Hạ Trắng, tháng Sáu 2013