Friday, January 11, 2013


                                            TÌNH BẠN.


           Thuở nhỏ ở xóm, tôi thân nhất với T…. Có thể nói chỉ thua anh em ruột một chút thôi, vì hai đứa vẫn thường chia ngọt, xẻ bùi khi có bất cứ món ăn ngon nào. Chúng tôi đi đâu cũng có đôi, khi về vẫn đủ cặp! Cả xóm còn tuyên dương: “ Sao 2 đứa mày thân nhau thế?” Tôi thường qua chơi nhà T… mà cả gia đình đều coi tôi như con cháu, anh em trong nhà!
            Kỷ niệm thời nhỏ xíu thì nhiều vô kể và tôi đã thuật lại vài kỷ niệm ‘đặc biệt’ trong vài bài viết trước. Nay thì tôi chỉ kể lại những chuyện khi tuổi của tôi và T…, bắt đầu từ ‘chớm lớn’ và đến ‘non trưởng thành’!





            Bắt đầu là phần chuyện ‘chớm yêu’ mà giờ tôi lại nhắc thêm! T…‘thầm yêu trộm nhớ’ một bạn học nữ. Cho mãi đến ngày nay, khi bạn đã ở Mỹ và sau gần 40 năm, bạn mới có dịp tỏ bày qua thơ văn. Những vần thơ thật lãng mạn và tràn đầy cảm xúc đã đăng thật nhiều trên trang NQ. Thuở xa xưa đó, một bức trang than chì vẽ nàng rất giống, đã được bạn kỳ cục cậy nhờ bạn Q…. trong Ga vẽ dùm. Bạn đã trân trọng trao tay cho bạn gái. Tác giả thật sự cũng vừa mất ở Mỹ gần đây và đó cũng là kỷ niệm duy nhất có được với bạn gái. Tôi xúc động thật sự trước mối tình lâu năm kỷ lục của bạn.
             Chuyện kế đến có thể lấy tựa đề ‘Sinh viên chống Mỹ’. Ngày đó, tôi và T… đều chơi chung trong một nhóm khá đông, nếu qui tụ phải trên chục bạn, đa số các bạn đều ở chợ hay xung quanh chợ. Nhưng thân nhất với cả hai chúng tôi chỉ có bạn Tr.., vì bạn học với chúng tôi một hai năm gì đó ở bậc Tiểu học. Hơn nữa, bạn lại cùng sở thích với chúng tôi là đàn, ca, hát và lại hát hay do bạn nằm trong ca đoàn Nhà thờ Tin lành. Bạn là con chủ tiệm vàng T.K trong chợ Biên hòa. Dáng bạn cao to, hiền và đặc biệt nhất là có mái tóc xoăn tít tự nhiên, do di truyền gen của cha. Chúng tôi cũng thuộc băng ‘chợ’, nên nhiều băng đối thủ cũng kiêng dè dù có ghét ra mặt! Chúng tôi từng kéo nhau chiến đấu với băng rạp hát Lido bằng đạn tepler bắn pháo hiệu, cháy đỏ rực một góc đường vào đêm khuya thanh vắng. Hoăc chạy rầm rập khi bị chúng trả thù bằng cách lùng sục bọn tôi trong nhà lồng chợ vào giấc về khuya! Chúng tôi phải dùng chiến thuật bao vây và đánh lẻ, chúng mới sợ và rút ngay! Ngày ấy, vũ khí cũng chỉ là khúc cây hay to nhất là đạn pháo dù sáng nhưng cũng ít khi sử dụng vì quá sáng, dễ lộ và hơi mắc tiền!
              Đi vào chuyện chính, cũng như thường lệ, vào giờ tan học. Chúng tôi thường tụ tập và cùng nhau đi trên các xe gắn máy, diễu hành khắp đường phố Biên hòa, hết Khiết tâm lại lên Ngô quyền, Vườn mít rồi lại đánh vòng về hướng chợ. Trên đường thì chọc ghẹo êm ái nếu thấy các nữ sinh xinh xắn , còn gặp xấu xí thì la lối um xùm! Nghĩ lại thật là ác! Đang từ dốc Ngô quyền đổ xuống, đến bùng binh Công trường Sông phố, bạn Tr. đang chở tôi, chợt thấy hai người Mỹ đi xe phân khối lớn, ép một bé gái té xuống đường mà không dừng lại đỡ lên hoặc xin lỗi! Thấy chuyện trước mắt và bất bình, Tr. tăng tốc đuổi theo! Khi ngang qua mặt hai tên nước ngoài, Tr. sử dụng tiếng chửi thề bằng Anh ngữ, hai tên to lớn như King kong tức mình! Mà ngồi sau tôi đã nhìn thấy hết, mặt đỏ tía tai đuổi theo. Xe chúng tôi làm sao bì kịp lại xe phân khối lớn! Không thoát được rồi! Tr. quẹo ngoặt vào hẻm đối diện tiệm uốn tóc Nguyễn thị Hảo, nói nhanh với tôi: “ Mày nhảy xuống đi!”, tôi nghe lời và chỉ kịp thấy Tr. đã bị dồn chạy vào cuối ngõ cụt. Một bên là hàng rào thật cao, khoảng 2 m, bên trong trồng chuối, một bên là nhà dân. Biết sao đây! Và bạn Tr. đã có một kỳ tích, có thể ghi vào Guiness Việt nam. Mặt nhăn nhó, bậm môi, lấy đà hết sức bình sinh, nhảy vọt qua hàng rào một cái ‘vù’ mà từ đầu ngõ tôi nhìn thấy, như một lực sĩ nhảy cao chuyên nghiệp và ‘biến’ sau những bụi chuối rậm rạp, để lại chiếc Suzuki đen còn vang tiếng nổ và đang xì khói! Vừa ngay giây phút ấy, bạn bè đi sau đã ập tới, tiếng la hét vang rần rần khắp phố phường: “Đánh Mỹ, đánh Mỹ tụi bay ơi!”, như tiếng hiệu triệu hay sao đó, những nhà dân ven đường túa ra, cung cấp dao, kìm, búa và mác.{ gặp nhà sửa đồ cơ khí ven đường}. Hai người nước ngoài thấy vậy mới hạ nhiệt và phân bua bằng tiếng Mỹ! Tôi thì cầm đá xanh cùng vài người bạn, ném tới tấp. Tức cười nhất là thấy bạn T… của tôi, đã thật lì lợm đeo lên cổ người Mỹ to cao và thụi vào mặt tới tấp nhưng có hề hấn gì hắn đâu vì hắn chỉ cần lấy hai bàn tay hộ pháp che mặt thì còn khoảng trống da thịt nào mà đánh? Như để tăng cường, tôi thấy bạn Tâ. lùn cầm một chai bia đã đập bể, mảnh sắc nhọn tua tủa đang cầm nhứ nhứ đến hơn đẩu gối người Mỹ một chút, do bạn chỉ cao 1m3 hay 1m4 gì đó! Nhưng cũng phải tuyên dương lòng quả cảm, không bỏ bạn bè của hai bạn T… và Tâ. lùn! Kết chuyện, khi thấy cảnh sát chế độ cũ có mặt thì tình thế xoay chiều, một tên rút ra khẩu súng ngắn nòng, chĩa lên trời: “ Đùng..đùng.đùng”. Mọi người dân đang bu quanh hô hào vội vàng chạy như ong vỡ tổ, cả chúng tôi cũng thế! Tôi bay một mạch về xóm, mặt tái xanh tái xám vì sợ súng và sợ trong nhà biết chuyện, còn bạn T… thì đâu mất tiêu không thấy! Đợi vài tiếng sau, khi chiều xuống, tôi mới lên dọ hỏi thì biết tin một số bạn đã bị bắt và áp giải tạm thời lên nhốt trên Xã Bình trước, đối diện với bệnh viện Biên hòa và tối cũng được thả ra nhưng trong đó không có bạn T…của tôi. Còn hai người Mỹ thuộc biên chế CIA, làm việc trong Không quân. Biết rồi mới ghê! Qua sáng hôm sau, cả bọn lại tập trung uống café quán Hai căn ngoài chợ, lại rôm rả chuyện hôm qua và cười đùa thỏa thích, trước cặp mắt như thán phục của người biết chuyện ‘Sinh viên đánh Mỹ’ quanh đó!
                 Chuyện cuối cùng là những chuyện tâm tình với người khác phái của chúng tôi. Nguyên nhân đầu tiên do bạn T…của tôi, ngày xưa nói chuyện lão luyện hơn tôi nhiều lắm, tôi thì chậm nói và tính cách hơi lừ đừ, chỉ phá ngầm là giỏi, còn mọi chuyện thì ‘nhát hơn cáy’! Xóm Lò heo bên kia, thỉnh thoảng có vài kiều nữ thất học, tối ngày thường hay lảng vảng qua xóm tôi chơi. Tình cờ bạn T…bắt chuyện nên’kết’! Từ giai đoạn quen sơ lúc ban đầu đến quen ‘sờ’ chỉ là quãng ngắn! Tôi thì chẳng có ma nào cả! Chỉ đến một tối, kiều nữ đi chung, do không gặp ‘anh H….quen’ ở xóm, buồn tình nên ‘cáp độ’ tôi. Chúng tôi đành lên Nghiệp đoàn Lao động có hình ‘Con trâu cui và đen thui’ làm huy hiệu để dễ nói chuyện tâm tình. Đương nhiên, biết nói gì đâu? Chỉ cỏn là những nụ hôn vội vàng như tranh thủ? Chợt! Có tiếng la con nít: “ Anh T…đây rồi! Mợ ơi!”. Thót cả tim! Cả hai chúng tôi tức tốc bật dậy! Trốn chui trốn nhủi như con chuột lũi! Phi tang ‘hiện vật’ là nói hai nàng mau trốn về xóm bên kia đi! Tôi thừa biết không thể thoát khỏi người em trai út của T…, vì em nó là điệp viên thượng thặng tên D…., chuyên dò la tin tức và về báo cáo Mợ của T…, nên tôi nói: “Thôi! Mày hy sinh đi ra đi. Để Mợ mày lên tới nơi thì chết cả lũ!”. Bạn T… y lời! Vì dù sao, nói dóc với thằng em còn hơn là đối chất với Mợ của T…! May mắn thay! Tôi thoát và hẹn với lòng, sẽ không bao giờ dám nữa và cũng vì: “ Có ngon lành gì! Hồi hộp thấy bà đi”!

                                                                            24.04.2012    HNGH

5 comments:

  1. Nhớ về thuở xa xưa
    Những tháng ngày ngu ngơ
    Đẹp như những bài thơ
    Chỉ còn là giấc mơ

    ReplyDelete
  2. Tình bạn ngày xưa còn bé bao giờ cũng đẹp. Khong biết mầy có biết chuyện 'Ông Lan đánh Mỹ không?'. Ông Lan là thầy Nguyễn văn Lan, dạy Triết ở Ngô Quyền và Khiết Tâm. Theo lời ổng kể thì, một lính Mỹ đi xe xích lô đạp, xuống xe không trả tiền, thấy vậy thầy Lan bèn bước ra khỏi trường NQ, làm thông dịch cho ông đạp xích lô và ông lính Mỹ nầy. Ông lính Mỹ nầy chẳng những không trả tiến mà còn đánh ông Lan. Ông Lan đánh lại. Học sinh NQ kéo nhau la "Tụi bây ơi, ông Lan đánh Mỹ." Sau nầy ổng ra ứng cử Hạ Nghị Viện, tao đi cổ động và làm Quan Sát Viên thùng phiếu cho ổng. Kết quả, thất cử. Thầy trò nhìn nhau cười. Ông Lan là anh rể của thằng Phùng đăng Quyết đó Tùng.

    ReplyDelete
  3. Nhắc chuyện ngày xưa khoé mắt cay
    Phảng phất mùi hương tình thuở ấy
    Vương vấn một thời áo trắng bay.

    H.P

    ReplyDelete
  4. Thầy Lan dáng cao to. Hải có nghe chuyện y như bạn Ẫn G nói khi học thầy. Khuôn mặt thầy cũng cương nghị, đẹp uy nghi và mái tóc tài tử nếu Hải không lầm!

    ReplyDelete
  5. Tuổi già cứ nhớ chuyện ngày xưa
    Thẩn thơ thơ thẩn tối sáng chiều
    Rậm ra rậm rật ngày xưa ấy
    Lít nha lít nhít tuổi thơ ngây

    ReplyDelete